Logo Website Công ty TNHH Địa Ốc Nhà Xinh SG

Long An | Xây 3 tuyến đường huyết mạch, tạo động lực thu hút đầu tư

Ông Nguyễn Văn Út - Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, sắp tới sẽ xây dựng 3 tuyến đường giao thông huyết mạch tạo tiền đề thu hút đầu tư.

Ghi nhận mới nhất, nhà máy điện LNG Long An I & II tại khu DVCN Đông Nam Á với tổng vốn đầu tư hơn 3,1 tỷ USD, giúp tỉnh Long An một bước vươn lên dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI trong quý I/2021. Ông Nguyễn Văn Út - Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, sắp tới sẽ xây dựng 3 tuyến đường giao thông huyết mạch tạo tiền đề thu hút đầu tư.

 

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Út, tỉnh Long An đề ra thông điệp phát triển mới với nội dung là địa phương cần nhà đầu tư thay vì nhà đầu tư cần Long An. Chỉnh quyền tỉnh luôn nỗ lực tạo môi trường đầu tư tốt nhất, đưa ra những cơ chế, chính sách có lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ đúng quy định về trình tự, thủ tục và ưu đãi đầu tư.

Song theo đó, việc thu hút đầu tư do UBND tỉnh trực tiếp thực hiện, mỗi vướng mắc và khó khăn của doanh nghiệp đề sẽ được người đứng đầu địa phương trực tiếp hỗ trợ, tháo gỡ.

 CT Long AN

Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An (Nguồn: Ngọc Hà)

 

Nhờ chủ trương đó, quý I vừa qua, tỉnh Long An đánh dấu thành công của mình bằng bước nhảy vọt mạnh mẽ, vươn lên vị trí Top 1 - trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trong việc thu hút FDI với 13 dự án cấp mới, tổng vốn đầu tư gần 3,2 tỷ USD. Trong đó, dự án nhà máy điện LNG Long An I và II tại khu dịch vụ công nghiệp Đông Nam Á, thuộc cảng quốc tế Long An có tổng vốn đầu tư 3,11 tỷ USD.

 

Về hạ tầng, hiện tại Long An đang được chuẩn bị đầu tư 3 dự án giao thông huyết mạch, kết nối giữa địa phương với TP.HCM, đồng bằng sông Cửu Long và các vùng kinh tế trên địa bàn. Tổng mức đầu tư ban đầu dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng, và thời gian dự kiến thực hiện sẽ nằm trong khoảng từ năm 2021 đến 2025.

 

Dự án 1 - Đầu tư trục động lực kết nối TP HCM - Long An - Tiền Giang

  • Điểm bắt đầu từ sông Cần Giuộc, thuộc xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc.
  • Điểm cuối là cầu Bình Cách, ranh giới giữa tỉnh Long An và Tiền Giang.
  • Loại hình: đường phố chính đô thị; Tốc độ thiết kế: 80 km/h; Quy mô: 10 làn xe (rộng 100m). 

Dự án được đánh giá mang tính thiết thực và phù hợp với định hướng phát triển mạng lưới giao thông, kinh tế, xã hội không chỉ của Long An mà cả vùng ĐBSCL. Hiện tại, dự án đang trong quá trình ý kiến và chủ trương đầu tư từ Chính phủ.

 

Dự án 2 - Mở rộng, nâng cấp tuyến N2 đoạn đi qua địa bàn tỉnh

  • Điểm đầu tại huyện Củ Chi (TP.HCM), đi xuyên qua vùng Đồng Tháp Mười (Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp). 

Tuyến N2 được kỳ vọng đóng vai trò trục mới của vùng ĐBSCL. Hiện tại, dự án đang trong giai đoạn ráo riết chuẩn bị thủ tục giải phóng mặt bằng, dự kiến sẽ thực hiện trong 2021.

 lk

Một dự án giao thông kết nối TP HCM với Long An (Nguồn: Zing)

 

Dự án 3 - Đầu tư trục kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, KCN, CCN và cảng quốc tế Long An

Đây là dự án ưu tiên đầu tư và thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025. Dự án sẽ là trục kết nối huyết mạch, liên kết các vùng kinh tế trọng điểm, KCN, CCN trên địa bàn tỉnh và cảng Quốc tế Long An.

Có thể nói, dự án là bước tiến mới, hứa hẹn gia tăng tối đa sự thuận lợi lưu thông trong viện vận tải hàng hoá, xoá bỏ những bất tiện thiếu kết nối và rời rạc hiện tại.

 

Không chỉ vậy, Ông Nguyễn Văn Út - Chủ tịch UBND tỉnh Long An còn chia sẻ thêm những bước tiến tiếp theo dành riêng cho tỉnh Long An.

  • Củng cố toàn tổ chức, bộ máy; nhấn mạnh yếu tố con người là tiên quyết, hướng đến bảo toàn hiệu suất thực hiện công việc.
  • Lập quy hoạch chung Long An đến 2030 và vạch ra tầm nhìn chung đến 2045 (dự kiến sẽ hoàn thành trong 2021). Trong đó, công nghiệp sẽ là cốt lõi, tiếp theo đó sẽ là dịch vụ logistics, đô thị sinh thái, đô thị thông minh, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đây được đánh giá là bước đệm sơ khởi, tạo tiền để cho tỉnh Long An phát triển mạnh mẽ trong thời gian sắp tới.

 

(Theo Ngọc Hà - Báo Người đồng hành Online)